Phong cách âm nhạc Everywhere at the End of Time

Để có thể ghi nhớ âm nhạc này với tư cách là một kẻ sống trong thực tại, bây giờ bạn phải ở độ tuổi chín mươi. Những gì Kirby trình bày ở đây có thể được nghe như những mảnh ký ức mờ nhạt, nhạt nhòa của những giai điệu từng được yêu mến khi chúng dao động trong tâm trí teo tóp.

Simon Reynolds[4]

Các album, mà Kirby mô tả là khám phá "sự tiến bộ và toàn bộ" của chứng sa sút trí nhớ, trình bày các tiêu đề và mô tả bài hát thơ mộng cho từng giai đoạn,[5][6] đại diện cho một người bị sa sút trí nhớ và cảm xúc của họ.[7][8][9] Ý tưởng về sự suy thoái, u sầu, bối rối và trừu tượng hiện hữu khắp nơi.[10] Tiny Mix Tapes gợi ý rằng, là tác phẩm cuối cùng của nghệ danh The Caretaker, Everywhere "đe dọa mọi lúc mọi nơi là sẽ nhường chỗ cho không gì cả."[11] Các album có tính thể nghiệm, tiên phong;[12][13][14] tạp chí âm nhạc Fact đã ghi nhận một "mối liên hệ kiểu hauntology" giữa phong cách phòng khiêu vũ của Everywhere và một số nhánh phụ của vaporwave.[15] Tác giả Sarah Nove khen ngợi Everywhere thiếu sự hào quang vật chất,[16] trong khi Matt Mitchell của Bandcamp Daily viết rằng album kết thúc bằng "catharsis thanh tao".[17]

Việc khám phá sự suy thoái của series đã được so sánh với The Disintegration Loops (2002–2003) của nhạc sĩ William Basinski.[2][18] Không giống như tác phẩm của Kirby, The Disintegration Loops tập trung vào sự suy thoái vật lý của băng đĩa trùng hợp với vụ tấn công ngày 11 tháng 9 - không phải sự suy thoái do phần mềm tạo ra, đại diện cho một căn bệnh thần kinh.[10][19][20] Mặc dù tích cực về các tác phẩm của Basinski, Kirby cho biết các tác phẩm của mình "không chỉ là các vòng lặp bị suy thoái. Chúng là về lý do tại sao chúng bị suy thoái và như thế nào."[2] Âm thanh của Everywhere cũng được so sánh với phong cách của nhạc sĩ điện tử Burial;[10] tác giả Matt Colquhoun đã viết cho The Quietus rằng cả hai nghệ sĩ đều "nêu bật 'thời kì tan vỡ của thế kỷ XXI.'"[21] Trong khi đánh giá giai đoạn đầu tiên, các nhà báo Adrian Mark Lore và Andrea Savage đã đề xuất đĩa nhạc dành cho những người thưởng thức Basinski, Stars of the LidBrian Eno.[22] Một số sample trở lại liên tục thông suốt — đặc biệt là một sample từ “Heartaches” (1931) của ca sĩ người Anh Al Bowlly — và trở nên suy thoái hơn theo từng album.[10] Trong sáu phút cuối, người nghe có thể nghe thấy một bài hát từ Selected Memories.[3]

Các bài hát trở nên méo mó hơn theo từng giai đoạn, phản ánh trí nhớ của bệnh nhân và sự héo mòn của nó.[23] Phong cách jazz của ba giai đoạn đầu gợi nhớ đến An Empty Bliss, sử dụng các vòng lặp từ các đĩa than và ống trụ sáp. Ở Giai đoạn 3, các bài hát ngắn hơn — một số chỉ kéo dài trong một phút — và thường tránh sử dụng fade-out.[10][14] Các giai đoạn hậu-nhận thức phản ánh mong muốn của Kirby là "khám phá sự lú lẫn hoàn toàn, khi mọi thứ bắt đầu đổ vỡ."[13] Hai giai đoạn áp chót thể hiện sự hỗn loạn trong tiếng nhạc, đại diện cho nhận thức đã biến đổi của bệnh nhân về thực tế.[24] Giai đoạn cuối cùng bao gồm các drone, khắc họa sự trống rỗng trong tâm trí của người đau khổ. Trong 15 phút cuối có một cây đàn organ, hợp xướngmột phút mặc niệm, miêu tả cái chết.[18][25] Giai đoạn 4–6 thường được đánh dấu là trọng tâm về khái niệm của Everywhere: Miles Bowe của Pitchfork đã viết về sự tương phản của các giai đoạn sau với các tác phẩm ambient khác của Kirby là "phát triển âm thanh của nó theo những cách mới và đáng sợ",[26] trong khi Kirby mô tả dự án là "phần nhiều về ba [giai đoạn] cuối cùng hơn ba giai đoạn đầu tiên."[2] Trong cuốn sách Handbook of the Anthropology of Sound, Bloomsbury Academic mô tả các giai đoạn sau là "một đoạn cắt ghép mất phương hướng của những hồi tưởng chìm đắm trong sương mù dội âm", liên hệ chúng với chứng mù nhạc và ảnh hưởng của nó đối với trí nhớ âm nhạc.[27]

Giai đoạn 1–3

Everywhere at the End of Time – Giai đoạn 1–3
Antal (2014)
Box set của The Caretaker
Phát hành12 tháng 10, 2017 (2017-10-12)
Thể loại
Thời lượng
  • 41:23 (Giai đoạn 1)
  • 41:54 (Giai đoạn 2)
  • 45:35 (Giai đoạn 3)
Thứ tự album của The Caretaker
Extra Patience (After Sebald)
(2012)
Everywhere at the End of Time – Giai đoạn 1–3
(2016–2017)
Take Care. It's a Desert Out There...
(2017)

Giai đoạn 1 được mô tả là những dấu hiệu ban đầu của sự suy giảm trí nhớ, là album gần nhất trong series với "một giấc mơ ban trưa đẹp".[5] Trên bản phát hành đĩa than, có một dòng chữ được khắc lên ghi là "Memories That Last a Lifetime".[28] Giống như An Empty Bliss,[29] Giai đoạn 1 bao gồm những giây mở đầu của các bản thu âm từ những năm 1920 và 1930, được lặp lại trong một khoảng thời gian dài. Các sample trong album được thay đổi cao độ, độ vang, bồi âm và tiếng kêu của đĩa than.[30] Album có một loạt các cảm xúc, chủ yếu là về các khái niệm mà tên bài hát của nó gợi lên;[10][31] những cái tên như "Into Each Others Eyes" đôi khi được hiểu là một kỷ niệm lãng mạn của bệnh nhân,[32] trong khi những tiêu đề đáng ngại hơn, chẳng hạn như "We Don't Have Many Days", chỉ cho bệnh nhân nhận thấy cái chết của chính họ.[33] Mặc dù là một bản phát hành upbeat của The Caretaker,[34] một số sáng tác vui tươi của big band bị bóp méo hơn những bản khác.[29][35] Một nhà phê bình đã ví nó như Eyes Wide Shut (1999) của Stanley Kubrick và các tác phẩm của nhà làm phim Woody Allen, đặc tả sự "tao nhã" trong phim của Kubrick và sự say mê chính kịch đối với tác phẩm của Allen.[36]

Giai đoạn 2 được mô tả là "sự nhận thức rằng có điều gì đó không ổn và từ chối chấp nhận điều đó."[5] Trái ngược với âm thanh vui tươi của giai đoạn đầu, Kirby mô tả giai đoạn thứ hai có "sự khác biệt lớn về tâm trạng".[1] Album có âm thanh giàu cảm xúc hơn Giai đoạn 1, với nhiều giai điệu u sầu, suy thoái và buồn tẻ hơn.[10][37] Các sample của album kết thúc đột ngột hơn, làm album có một bầu không khí hauntology.[38] Tiêu đề các bài hát, chẳng hạn như "Surrendering to Despair" và "Last Moments of Pure Recall", thể hiện nhận thức của bệnh nhân về chứng bệnh của họ và nỗi buồn cùng với đó, với tên "The Way Ahead Feels Lonely" được lấy trực tiếp từ một cuốn sách về chứng mất trí nhớ của Sally Magnusson.[39] Các bài hát có thời lượng dài hơn và có ít vòng lặp hơn, nhưng chất lượng kém hơn,[10] tượng trưng cho việc bệnh nhân nhận ra trí nhớ suy thoái của họ và dẫn đến cảm giác cự tuyệt.[40] Kirby mô tả giai đoạn thứ hai là giai đoạn mà một người "cố gắng và nhớ nhiều hơn bình thường";[1] "A Losing Battle Is Raging" thể hiện sự chuyển tiếp giữa giai đoạn đầu tiên và giai đoạn thứ hai.[32]

Giai đoạn 3 được mô tả là bệnh nhân trải qua "một số ký ức rõ ràng cuối cùng trước khi sự lú lẫn xuất hiện hoàn toàn và sương mù xám hình thành, và rồi biến dần đi."[5] Các sample từ các tác phẩm khác, ví dụ như từ An Empty Bliss, trở lại với âm thanh giống như dưới nước, miêu tả nỗi tuyệt vọng ngày càng tăng của bệnh nhân và sự đấu tranh để lưu lại ký ức của họ. Trong khi các giai đoạn khác có xuất hiện phần fade-out trên các bản nhạc, các bài hát của Giai đoạn 3 lại đột ngột kết thúc. Tiêu đề bài hát trở nên trừu tượng hơn, kết hợp tên của các bài hát từ các giai đoạn trước và An Empty Bliss để tạo ra các cụm từ như "Hidden Sea Buried Deep", "To the Minimal Great Hidden" và "Drifting Time Misplaced". Album tập trung vào nhận thức của bệnh nhân, là bản thu âm giống nhất với An Empty Bliss trong series.[10] Kirby giải thích rằng Giai đoạn 3 là "giống như An Empty Bliss nhất vì đó là giai đoạn hạnh phúc mà bạn không biết rằng mình thực sự bị mất trí nhớ."[2] Các bài hát cuối cùng của album là những giai điệu dễ nhận biết cuối cùng, mặc dù một số bài gần như mất đi chất giai điệu của chúng; trong mô tả của Kirby, Giai đoạn 3 đại diện cho "khối than hồng cuối cùng của nhận thức trước khi chúng ta bước vào những giai đoạn hậu-nhận thức."[5][33]

Bài hát mở đầu của Giai đoạn 1, "It's Just a Burning Memory", giới thiệu một sample từ "Heartaches" của Al Bowlly dần đần suy thoái xuất series;[10] Theo Kirby, Bowlly là "một trong những nhạc sĩ chính" được lấy sample trong bí danh The Caretaker.[2] Trong ca khúc thứ ba của Giai đoạn 2, "What Does It Matter How My Heart Breaks", "Heartaches" trở lại với phong cách mệt mỏi,[10] sử dụng một bản cover khác của bài hát. Phiên bản cụ thể này, trái ngược với phiên bản Giai đoạn 1, nghe có vẻ trầm hơn với Kirby.[1] Bài hát thứ hai của Giai đoạn 3, "And Heart Breaks", chứa phiên bản mạch lạc cuối cùng của "Heartaches", với phần kèn trở nên giống với tiếng nhiễu trắng hơn.[10] Các bài hát lấy sample từ "Heartaches" lấy tiêu đề từ lời bài hát, xoay quanh các chủ đề về ký ức; Bowlly hát, "I can't believe it's just a burning memory / Heartaches, heartaches / What does it matter how my heart breaks?"[41]

Giai đoạn 4–6

Everywhere at the End of Time – Giai đoạn 4–6
Foyeratropo Napreseptetirawe (2017)
Box set của The Caretaker
Phát hành14 tháng 3, 2019 (2019-03-14)
Thể loại
Thời lượng
  • 87:20 (Giai đoạn 4)
  • 88:20 (Giai đoạn 5)
  • 85:57 (Giai đoạn 6)
Thứ tự album của The Caretaker
Take Care. It's a Desert Out There...
(2017)
Everywhere at the End of Time – Giai đoạn 4–6
(2018–2019)
Everywhere, an Empty Bliss
(2019)

Giai đoạn 4 được mô tả là thời điểm mà tại đó "khả năng nhớ lại những ký ức đơn giản đắp đường cho sự bối rối và kinh hoàng."[5] Nó thể hiện một phong cách nhạc tiếng ồn, trái ngược với ba giai đoạn đầu tiên, có cùng phong cách với An Empty Bliss. Đánh dấu sự bắt đầu của các giai đoạn "hậu-nhận thức",[42][43] bốn bản nhạc của nó chiếm toàn bộ mỗi một mặt đĩa than.[44] Các bản nhạc G1, H1 và J1 có tiêu đề "Post Awareness Confusions", với Bowe thì đó là một cái tên lâm sàng, trong khi I1 có tên "Temporary Bliss State". Các giai điệu không mạch lạc giới thiệu một khía cạnh siêu thực, mà một số nhà văn cho rằng đây là sự chuẩn bị cho người nghe ở hai giai đoạn cuối.[24] Hầu hết các tác phẩm đều bỏ qua phong cách trước đó của nghệ danh và sử dụng nhiều hiệu ứng biến dạng hơn nhiều so với các giai đoạn trước.[26] Một phân đoạn cụ thể của H1, được gọi là "Hell Sirens", sử dụng một sample tiếng kèn mà Hazelwood gọi là "một trong những khoảnh khắc kinh hoàng nhất của series."[10] Tuy nhiên, "Temporary Bliss State" là một bản nhạc êm dịu hơn "Post Awareness Confusions", có âm thanh thanh tao hơn. Phong cách của album được ví như album 94 Diskont (1995) của nhạc sĩ thể nghiệm Oval,[26] với Hazelwood khẳng định "âm thanh kinh dị" của Giai đoạn 4 là đại diện cho "âm vang của giai điệu và ký ức".[10]

Giai đoạn 5 được mô tả là có "nhiều vướng mắc nặng hơn, sự lặp lại và đứt gãy [mà] có thể nhường chỗ cho những khoảnh khắc tĩnh lặng hơn."[5] Album mở rộng phong cách tiếng ồn của nó và có những điểm tương đồng với các tác phẩm của Merzbow và John Wiese; các giai điệu mạch lạc mất nghĩa, được thay thế bằng các sample chồng chéo. Hazelwood gọi nó là "tắc đường dạng âm thanh", ví nó như những tế bào thần kinh chứa đầy beta-amyloid. Album có sự khác biệt đáng kể so với các album trước,[10] đôi khi sử dụng các bản thu âm gốc được giảm âm lượng thành tiếng thì thầm. Theo Falisi, nó thiếu cảm giác thoải mái; trái ngược với các dấu hiệu ban đầu của Giai đoạn 1, Giai đoạn 5 biểu hiện sự rối loạn hoàn toàn.[45] Bản thu âm sử dụng nhiều giọng hát nhất của series và bao gồm lời bài hát tiếng Anh dễ nhận biết; gần cuối bản nhạc mở đầu, một người đàn ông thông báo, "Phần tuyển chọn này sẽ là màn độc tấu mandolin của quý ông James Fitzgerald."[46] Giống như Giai đoạn 4, tên bài hát của Giai đoạn 5 có tính lâm sàng, nhắc tới các khái niệm sinh học thần kinh; Hazelwood coi các tiêu đề như "Advanced Plaque Entanglements" và "Sudden Time Regression Into Isolation" là tài liệu về "sự vô nhân" của chứng mất trí nhớ.[10]

Không giống như các giai đoạn trước, mô tả của Giai đoạn 6 chỉ có một câu: "Giai đoạn 6 hậu-nhận thức là khôn tả."[5] Esther Ju của UWIRE nói rằng "hầu hết sẽ mô tả [album] là những âm thanh của khoảng trống."[47] Trong khi Giai đoạn 5 có các đoạn trích của nhạc cụ và giọng nói, thì Giai đoạn 6 có các bản phối nhạc trống rỗng, bao gồm tiếng rít và tanh tách, mà Hazelwood giải thích là miêu tả sự thờ ơ của bệnh nhân.[10][48][49] Album thường bao gồm các bản ghép âm thanh trong đó tiếng nhạc có thể nghe được nhưng có vẻ xa xăm.[25][50] Tên bài hát của nó có các cụm từ ít lâm sàng hơn và nhiều xúc cảm hơn, chẳng hạn như "A Confusion So Thick You Forget Forgetting" và "A Brutal Bliss Beyond This Empty Defeat".[10] Nó có âm thanh khác xa An Empty Bliss và khắc họa sự lo lắng mạnh mẽ.[18] Sau khi phát hành Giai đoạn 6, Kirby đã bình luận trên video YouTube của phiên bản hoàn chỉnh: "Cảm ơn sự ủng hộ trong suốt những năm qua. Cầu mong phòng khiêu vũ luôn luôn tồn tại vĩnh cửu. C'est fini."[5]

Ca khúc cuối cùng, "Place in the World Fades Away", có các drone tiếng đàn organ được so sánh với nhạc phim năm 2014 của Hố đen tử thần.[51] Tiếng organ cuối cùng nhường chỗ cho một chiếc máy hát.[10][18][25] Đỉnh cao của Everywhere, sáu phút trước khi dự án kết thúc, có một dàn hợp xướng nghe rõ ràng được lấy từ một đĩa than đã xuống cấp.[18] Series kết thúc bằng một phút im lặng tượng trưng cho cái chết của bệnh nhân. Mặc dù khoảnh khắc này gợi ra nhiều cách giải thích khác nhau từ các nhà bình luận, nhưng lý thuyết được các nhà phê bình và y học chấp nhận nhất là nó đại diện cho sự minh mẫn cuối đời, hiện tượng bệnh nhân trải qua một thời gian minh mẫn ngắn trước khi chết.[10][52] Falisi coi đó là sự di chuyển linh hồn của bệnh nhân sang thế giới bên kia.[48] Sáu phút cuối cùng lấy sample phần trình diễn aria "Lasst Mich Ihn Nur Noch Einmal Küssen" ("Hãy Để Tôi Hôn Anh Ấy Một Lần Cuối") từ bản nhạc St Luke Passion, BWV 246. Sample cũng được sử dụng trong ca khúc "Friends Past Reunited" từ Selected Memories.[3] Điều này được một người đánh giá giải thích là một "khoảnh khắc quay về cội nguồn" của The Caretaker.[46]